Dịch giả giỏi nhất việt nam

Mô tả: 

 "4 chiếc piano sáng choang, hai chiếc violon cell và một kèn saxophone. Tôi mê những thứ ấy...", nhà văn, dịch giả Thái Bá Tân tâm sự - Dịch Thuật A2Z

- Trong các nhà thơ lớn của Việt Nam, tôi nhận thấy Tố Hữu là người có cách sử dụng vần điệu chặt chẽ nhất. Rất hiếm trường hợp ông để các câu thơ... chệch vần. Trong các dịch giả Việt Nam, cũng có thể xem Thái Bá Tân là một trường hợp như vậy. Hình như ông có hẳn một quan điểm về việc này?

+ Trong số các nhà thơ  hiện đại Việt Nam, tôi đánh giá cao nhất là Tố Hữu. Vần điệu thơ ông thật tuyệt vời. Tôi rất đồng ý với anh, trong thơ cái quan trọng là vần điệu. Cho nên dịch, với tôi là phải có vần. Không có vần tôi không dịch. Đây là sự nhất quán từ đầu của tôi. Ngoại trừ cuốn tuyển tập "Một vạn lá thư" của Nhật Bản, mỗi bài cứ 5 câu liền không có vần nào, tôi buộc phải thêm vần cho hợp với sự thẩm âm của người Việt Nam.

- Các đồng nghiệp đặt thêm cho ông "biệt danh" là... Thái Bá Tơn. Từ đâu họ nảy ra cách gọi đùa trêu nói trên? Có phải vì ông là một dịch giả tâm huyết với đề tài thơ Bairơn?

+ Tôi là người dịch Bairơn nhiều nhất Việt Nam. Từ năm 1978-1979 tôi đã hoàn thành bản dịch tiểu thuyết thơ "Đông Gioăng" của Bairơn, dày tới 500, 600 trang. Quan điểm của tôi là phải dịch Bairơn đúng với Bairơn của thế kỷ XIX, và đúng với cách sử dụng vần điệu của Bairơn. Có lẽ vì tôi quá chặt chẽ trong cách dịch mà anh em đùa vui gọi tôi là... Thái Bá Tơn  

- Ông là người có sức viết khủng khiếp, từ sáng tác tới dịch thuật, từ thơ tới truyện ngắn. Các truyện của ông đa phần đều có tứ và rất chặt chẽ về cú pháp. Các biên tập viên làm việc với bản thảo của ông một cách nhàn hạ. Nhưng họ cũng kêu là truyện của ông hơi... Tây, bối cảnh của truyện có chỗ không hợp với bối cảnh cuộc sống của Việt Nam? Ông nhận xét gì về ý kiến này và có ý điều chỉnh mình không?

+ Phải chăng cách nhìn như thế là hơi gò bó về vấn đề tính dân tộc. Tôi nghĩ, người ta bảo văn của tôi hơi Tây, là vì họ thấy tôi viết khác với những người khác. Tôi viết mạch lạc, suốt đời tôi đọc sách, đọc rất nhiều. Đấy là hình thức, nhưng cốt lõi tôi rất phương Đông. Truyện của tôi rất ngắn, mà tải một lượng thông tin lớn. Nếu có "Tây" thì có lẽ vì truyện của tôi duy lý quá, cộng với tôi là nhà giáo, mọi sự nghiêm chỉnh quá. Như nhận xét của Nguyễn Quang Thiều thì tôi tỉnh táo quá, dễ làm mất đi cái "thần" của nghệ thuật, cái phiêu diêu...

- Ông từng nhận xét, trong ông, chất "máy" nhiều hơn chất "người". Sức làm việc như vậy có khiến ông có lúc cảm thấy mệt và chán không?

+ Tôi bây giờ đang chán. Một năm nay không viết nữa. Hiện giờ, một ngày tôi dành tới  6-7 tiếng để kéo đàn violon cell. Ở nhà tôi hiện đang để 4 chiếc piano sáng choang, hai chiếc violon cell và một kèn saxophone. Tôi mê những thứ ấy. Tôi viết nhiều thế mà. Truyện ngắn có gần 150 truyện. Thơ sáng tác in hơn 1.000 trang. Như các cuốn "Lục ngôn thi tập", tới 400 bài, "Điền viên tứ tuyệt", rồi thơ 5 chữ... Tôi lại vừa hoàn thành một công trình mười mấy năm, hơn hai nghìn bài, gồm thơ Đường, Tống, Lý, Trần, đặt là "Cổ thi tác dịch". Cuốn này trước đây đã xuất bản một lần, nay bổ sung thêm nhiều bài, sang năm sẽ in lại. Vợ tôi bảo: "Anh làm thơ như thế, viết truyện làm gì cho phí". Nhưng tôi thấy truyện tải được nhiều điều hơn. Thơ thì nhiều người làm quá rồi.

- Có người quan điểm "dịch là diệt". Ông không phát biểu vậy nhưng lại cho rằng thơ dịch phải là "tác dịch", hoặc "viết lại". Các bạn dịch đã chia sẻ quan điểm này của ông như thế nào?

+ Quan niệm của tôi, thơ dịch phải là thơ sáng tác. Tất cả những bài dịch thơ nước ngoài, qua sự chuyển ngữ của mình, muốn hay không đều mang dấu ấn của mình. Nghĩa là đều mang dấu ấn của Thái Bá Tân. Có người đọc một bản dịch thơ của tôi, bảo: "Nghe thế nào, cứ như của Thái Bá Tân ấy". Tôi cười. Cũng được chứ sao. Nói vậy nhưng thật ra, ngoài "chất" Thái Bá Tân, bạn đọc vẫn thấy đậm chất Anh khi đọc thơ dịch Bairơn, hay khi đọc Puskin thấy ngay chất Nga. Các nhà văn mình có điều dở là ít đọc nhau, khen là khen theo hội đồng, chê cũng chê theo hội đồng. Thật ra là ít chịu đọc, bởi vậy mà thường hay có định kiến.

- Xin cảm ơn ôn.- Công ty dịch thuật A2Z